Những yếu tố đe dọa đột quỵ ở giới trẻ, nhất là dân văn phòng

Anh Hoàng, 30 tuổi ở Hòa Bình vừa cấp cứu tại Bệnh viện quân y 108 (Hà Nội) trong tình trạng chóng mặt dữ dội, yếu nửa người. Khám cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán anh bị tai biến mạch máu não. Người nhà rất ngạc nhiên vì cho rằng trẻ tuổi như anh thì chuyện tai biến rất khó xảy ra.

Các triệu chứng thường bộc lộ ra bên ngoài thường bất ngờ nhưng theo các chuyên gia, đột quỵ là kết quả của các yếu tố diễn tiến âm thầm, kéo dài trước đó mà bệnh nhân, đặc biệt là người trẻ thường chủ quan, không ngờ tới.

Theo giáo sư Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Phòng chống đột quỵ Miền Bắc, Chủ nhiệm Bộ môn Thần kinh Viện nghiên cứu Y Dược Lâm Sàng 108, đột quỵ thường xảy ra bất ngờ khiến bệnh nhân có thể bị ngã trong nhà tắm, ngoài đường, lúc làm việc, dự tiệc, thậm chí đang chơi thể thao… Bệnh xảy ra ở bất cứ ai - người già, người trẻ, thành thị đến nông thôn, doanh nhân, nhân viên văn phòng hay nông dân…

Thống kê của Tổ chức Đột quỵ thế giới mới đây cho thấy, cứ 6 người thì có một người có nguy cơ mắc. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp, một nửa trong số đó tử vong. Tỷ lệ ở những người trẻ và trung niên đang gia tăng mạnh mẽ và chiếm khoảng một phần ba tổng số các trường hợp đột quỵ. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Giáo sư Thông phân tích, có sự gia tăng đột quỵ ở người trẻ tuổi là bởi các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống hiện đại và bệnh mãn tính đã thúc đẩy liên tục và khởi phát quá trình diễn tiến thành đột quỵ ngày càng gần hơn. Theo giáo sư Thông, căn nguyên cơ bản dẫn đến đột quỵ gồm:

Mất ngủ: Trước đây, mất ngủ thường gặp ở người trên độ tuổi 60 nhưng hiện nay lượng bệnh nhân dưới 40 tuổi ngày càng nhiều dưới áp lực của công việc, kinh tế, gia đình... Mất ngủ kéo dài trên một tháng với tần suất ba lần một tuần trở thành mãn tính, rất khó điều trị và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thông qua bệnh lý cơ thể như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, xơ vữa mạch máu…đây đều là yếu tố nguy cơ cao gây đột quỵ. Theo các nhà khoa học thuộc Đại học Y khoa Icahn (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người ngủ đủ (7-8 giờ) đến 83%.

Tế bào thần kinh tại não và mạch máu bị xơ vữa do sự tấn công của gốc tự do.

 

Căng thẳng, stress thường xuyên: Đây được xem là hậu quả tất yếu từ cuộc sống hiện đại và là yếu tố ngày càng được nhấn mạnh về việc thúc đẩy nhiều tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ. Mới đây, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí y khoa The Lancet (Anh) cho thấy, áp lực nhiều, làm việc trên 55 giờ mỗi tuần tăng 1/3 nguy cơ đột quỵ.

Lối sống ít vận động, lạm dụng bia rượu, thuốc lá, chất kích thích: Cuốn theo công việc, cuộc sống và các mối bận tâm khác là lý do khiến nhiều người trẻ bỏ quên vận động. Mới đây, tạp chí Đột quỵ của Hiệp Hội Tim mạch Mỹ công bố, những người không vận động thì nguy cơ đột quỵ tăng 20% so với những người vận động ít nhất 4 lần một tuần. Bên cạnh đó, những ảnh hưởng tiêu cực từ lối sống như lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích làm tăng huyết áp, biến chứng thần kinh trung ương, tạo tiền đề xơ vữa động mạch dễ gây thiếu máu cục bộ khiến đột quỵ. Đáng lưu ý, tình trạng xơ vữa mạch sẽ xuất hiện rất sớm trước các tác động liên tục từ lối sống.

Hội chứng chuyển hóa, bệnh mãn tính có xu hướng trẻ hóa: Theo một nghiên cứu, tỷ lệ bệnh nhân mắc Hội chứng chuyển hóa bị đột quỵ là 62%. Nguy cơ này sẽ tăng gấp nhiều lần nếu có sự tác động cộng hưởng từ các tình trạng bệnh lý nhưbéo phì làm tăng đề kháng insulin, tiểu đường Type 2 và tăng huyết áp… làm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của các mảng xơ vữa trong động mạch gây thiếu máu não cục bộ. Đáng lưu ý, những căn bệnh như tăng huyết áp, béo phì, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, xơ vữa động mạch… đang có xu hướng trẻ hóa bởi tác động tiêu cực từ lối sống, dinh dưỡng mất cân bằng ở người trẻ.

Không chỉ là bệnh của người già, đột quỵ đang ngày càng đe dọa người trẻ

 

Tâm lý chủ quan, cho rằng đột quỵ chỉ xảy ra ở người cao tuổi: Tuổi trẻ thường được xem là giai đoạn sung sức, ít bệnh tật nhất. Điều này dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, không dự phòng, tầm soát sớm và có thể bỏ qua các triệu chứng của đột quỵ để cấp cứu kịp thời. Trong khi đó, người trẻ dù ở độ tuổi 20, 30 hoàn toàn không miễn nhiễm với đột quỵ bởi bởi thực tế căn bệnh này không chừa một ai. Theo thống kê tại các bệnh viện, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, trong đó số lượng nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.

Đột quỵ trước khi khởi phát đã có một quá trình diễn tiến âm thầm với các nguy cơ. Bằng các nghiên cứu chuyên sâu ở cấp độ sinh học phân tử, các nhà khoa học phát hiện các nguy cơ lớn như xơ vữa động mạch, thiếu máu não... đều có nguồn gốc quan trọng từ sự mất kiểm soát của gốc tự do sinh ra dưới tác động của các yếu tố lối sống mất ngủ, căng thẳng… và quá trình trao đổi chất liên tục của cơ thể.

Gốc tự do tấn công làm tổn thương nội mạc mạch máu, tạo điều kiện thuận lợi xuất hiện các mảng xơ vữa khiến lòng mạch máu bị thu hẹp, dòng máu lưu thông khó khăn, gây ra hiện tượng thiếu máu não. Khi mảng xơ vữa ngày càng dày lên, bong ra kết hợp cùng các yếu tố khác hình thành cục huyết khối có thể kẹt lại tại nhiều vị trí trong mạch máu não, gây tắc mạch, thậm chí vỡ mạch làm xảy ra tình trạng đột quỵ.

Dự phòng từ sớm mới chính là cách để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ đột quỵ não hữu hiệu nhất: Hãy chăm sóc não/tim để bảo vệ tế bào thần kinh và tránh xơ vữa mạch bằng cách kiểm soát gốc tự do trong cơ thể bạn. Ngoài việc bổ sung dưỡng chất, các chuyên gia khuyên nên có kế hoạch làm việc hợp lý, tránh mất ngủ, căng thẳng, stress; nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý (hạn chế chất béo, đồ ngọt, không ăn quá mặn; ăn nhiều rau, củ, trái cây), vận động thường xuyên (đi bộ, chạy bộ, đạp xe… 30 - 60 phút mỗi ngày và 4-5 lần một tuần); đồng thời hạn chế bia rượu, không hút thuốc lá…để bảo vệ và nâng cao sức khỏe hô hấp, tim mạch và sức khỏe toàn thân để hạn chế tối đa nguy cơ đột quỵ xảy ra.

 

Theo Vnexpress