Đột quỵ ngày càng trẻ hóa
Nhiều người trẻ đột quỵ
Tại Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TPHCM, bệnh nhân Trần Công Tr. vẫn đang mê man sau ca phẫu thuật làm tan cục máu đông ở mạch máu não. Năm nay 36 tuổi, là kỹ sư máy tính, anh Tr. khỏe mạnh bình thường cho đến khi ngất xỉu và nhập viện cách nay 3 ngày. “Nếu may mắn qua khỏi, bệnh nhân có thể tỉnh táo nhưng yếu liệt nửa người bên trái”, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não BV Nhân dân 115 cho biết. Hiện trung bình mỗi ngày BV Nhân dân 115 điều trị nội trú cho hơn 200 bệnh nhân bị tai biến, đột quỵ, trong đó chiếm gần 10% là bệnh nhân trẻ trên dưới 40 tuổi.
Tương tự là trường hợp anh T.H.M. (41 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM), bị đột quỵ đang điều trị tại BV Nhân dân Gia Định. Còn trẻ, khỏe mạnh, khó tin anh M. bị đột quỵ. Thế mà cuối tuần qua, khi đang phụ vợ bán hủ tiếu thì anh xây xẩm rồi té ngã ra đường. Được đưa vào BV cấp cứu ngay, song bệnh tình anh M. khá nặng, phải hồi sức tích cực, mất ngôn ngữ. Theo bác sĩ Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp BV Nhân dân Gia Định, trong tháng 3-2015, BV đã điều trị nội trú 134 ca đột quỵ nặng. Nhưng chỉ chưa đầy 3 tuần đầu của tháng 4-2015, số ca mắc bệnh này đã lên đến gần 100 người. Bác sĩ Vũ cho biết hiện đột quỵ đang trẻ hóa, thậm chí xảy ra ở người 30 - 40 tuổi ngày càng nhiều.
BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Thần kinh và can thiệp mạch máu não TPHCM, cho biết, đột quỵ vốn dĩ khá phổ biến ở người lớn tuổi, nhưng nay có xu hướng gia tăng trẻ hóa. Theo các chuyên gia về bệnh lý mạch máu não, những năm gần đây số bệnh nhân phải nhập viện vì đột quỵ ở độ tuổi trẻ đang có chiều hướng tăng lên từ 1,7% lên 3%. Trong đó tỷ lệ nam giới mắc phải cao gấp 4 lần nữ giới. “Nếu như trước đây, bệnh nhân đột quỵ thường nằm trong độ tuổi từ 50 - 60 trở lên thì nay đang trẻ hóa dần, từ 40 - 45 tuổi, thậm chí ở độ tuổi 20 - 30”, bác sĩ Trần Chí Cường cho biết…
Tranh thủ… “giờ vàng”
Bác sĩ Trần Chí Cường cho biết đã gặp không ít tình huống tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc” và dù được can thiệp thành công thì cũng là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Trong đó, có những bệnh nhân lên cơn huyết áp dẫn đến đột quỵ khi hoạt động quá sức ngoài trời. Còn theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Tổng thư ký Hội Đột quỵ Việt Nam, thiếu máu não là nguyên nhân đột quỵ khá phổ biến. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu máu não chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, khả năng vận động của cơ thể có thể sớm trở lại bình thường nên bệnh nhân rất dễ bỏ qua hoặc tin rằng không có vấn đề gì quan trọng. “Nếu thiếu máu não kéo dài vài phút, thương tổn thần kinh lập tức xảy ra... “, BS Thắng cho biết.
Trong đột quỵ, tuổi tác là yếu tố quan trọng, thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt người lao động trí óc với cường độ cao. Tiếp đến thường gặp ở người có bệnh lý về hệ tim mạch (cao huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, hút thuốc, lười vận động, béo phì, stress, bia rượu…). Để phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo làm giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách điều trị dứt điểm các bệnh lý cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, bỏ hút thuốc lá, giảm stress... và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng. Trong trường hợp đã có tiền sử đột quỵ hoặc nguy cơ cao, các chuyên gia khuyến cáo cần nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ như đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt ở một bên của cơ thể); không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng…
Qua tổng kết của BV Nhân dân 115, BV Chợ Rẫy cũng như một số bệnh viện khác, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người nhà coi đó là biểu hiện của bệnh khác, như trúng gió, lên cơn đau tim, hạ đường huyết và tự chữa như cạo gió, châm cứu mà bỏ qua việc cấp cứu trong thời gian đầu. Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu nhận thấy các dấu hiệu triệu chứng của đột quỵ nêu trên thì cần đi khám để phòng ngừa. Đột quỵ có thể chữa trị nếu người nhà bệnh nhân biết xử trí đúng, sớm đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong vòng 3 giờ đồng hồ khi tai biến. “Thông thường 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ là “thời gian vàng”, vì khi đó các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Trong giai đoạn này, cứ một phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại khó phục hồi”, bác sĩ Trần Chí Cường khuyến cáo.
Theo Tường Lâm (Sài Gòn Giải Phóng)