Đái tháo đường thai kỳ
ThS.BS. Hoàng Thị Liên Phương
Khoa Nội tiết - Đái tháo đường
1. Đái tháo đường thai kỳ
1.1. Định nghĩa:
Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu tiên trong lúc mang thai. Định nghĩa này không loại trừ trường hợp bệnh nhân đã có tình trạng rối loạn dung nạp glucose từ trước (nhưng chưa được phát hiện) hay là xảy ra đồng thời với quá trình mang thai.
1.2. Đối tượng có nguy cơ bị ĐTĐ thai kỳ:
· Tiền sử bản thân:
- Đã từng bị ĐTĐ thai kỳ ở những lần mang thai trước.
- Tiền sử sẩy thai liên tiếp hoặc thai chết trong tử cung không rõ nguyên nhân.
- Từng sinh con trên 4kg.
- Sinh con trước có dị tật bẩm sinh.
- Nhiễm độc thai ở lần mang thai trước
- Thừa cân hoặc béo phì
· Tiền sử gia đình:
- Trực hệ có người bị ĐTĐ típ 2 hoặc ĐTĐ thai kỳ.
· Tình trạng thai kỳ lần này:
- Sản phụ uống nhiều, tiểu nhiều, nước tiểu có đường, bị nhiễm nấm tái phát nhiều lần.
- Mẹ béo phì, tăng cân nhiều và nhanh (> 20kg).
- Mẹ lớn hơn 35 tuổi, nước ối nhiều, thai to.
Tất cả những phụ nữ có thai thuộc diện trên đều nên đến khám bệnh ở chuyên khoa nội tiết để làm các xét nghiệm phát hiện bệnh ở 3 tháng đầu thai kỳ và sau đó vào giữa tuần 24 - 28 của thai kỳ.
1.2. Chẩn đoán:
- Các thai phụ được làm nghiệm pháp tăng đường máu với 75g glucose: Chẩn đoán ĐTĐTK khi thai phụ có ít nhất 1 kết quả lớn hơn hoặc bằng mức sau:
Thời điểm |
ĐM (mmol/l) |
Lúc đói |
5,1 |
Sau 1 giờ |
10,0 |
Sau 2 giờ |
8,5 |
- Lưu ý:Nếu các thai phụ đã có kết quả ĐM cao như dưới đây thì chẩn đoán chắc chắn ĐTĐTK không phải làm nghiệm pháp tăng đường máu nữa.
+ ĐM tĩnh mạch đói (sau bữa ăn cuối cùng 8h -12h) ³7mmol/l hoặc
+ ĐM tĩnh mạch bất kỳ thời điểm nào ³11,1mmol/l (các xét nghiệm phải được làm 2 lần)
1.3. Điều trị bệnh ĐTĐTK
Các thai phụ được chẩn đoán ĐTĐTK cần được điều trị và theo dõi ĐTĐ tại các cơ sở có chuyên khoa điều trị ĐTĐ chuyên sâu (tuyến trung ương).
1.3.1. Mục tiêu đường máu trong thời gian mang thai:
- Đường máu lúc đói < 5,5 mmol/l
- Đường máu 2 giờ sau mỗi bữa ăn < 7,2 mmol/l
- HbA1C < 6%
1.3.2. Insulin:
- Chỉ được dùng insulin người để điều trị ĐTĐ trong thời gian mang thai (Insulin Actrapid, Insulatard).
- Không được dùng insulin động vật.
- Khi nào bắt đầu điều trị bằng insulin:
+ Các thai phụ ĐTĐTK có mức ĐM lúc đói < 7mmol/l và ĐM 2giờ sau ăn <11,1mmol/l được hướng dẫn chế độ ăn và luyện tập trong 2 tuần. Nếu mức ĐM đạt mục tiêu điều trị thì tiếp tục theo chế độ ăn. Nếu mức ĐM không đạt mục tiêu thì phối hợp với liệu pháp insulin.
+ Các thai phụ ĐTĐTK có mức ĐM lúc đói ≥ 7mmol/l hoặc ĐM sau ăn 2h ≥11,1mmol/l cần được phối hợp chế độ ăn và liệu pháp insulin ngay.Tốt nhất dùng phác đồ 4 mũi tiêm/ ngày, trong đó 3 mũi insulin nhanh trước 3 bữa ăn chính và 1 mũi insulin bán chậm vào trước lúc đi ngủ
1.3.3. Thuốc viên điều trị ĐTĐ: Không nên sử dụng để điều trị ĐTĐ trong thời gian mang thai vì không đảm bảo an toàn cho thai nhi.
1.4. Theo dõi sau khi đẻ:
1.4.1. Theo dõi cho trẻ sơ sinh:
- Ngay sau đẻ, trẻ được chăm sóc và theo dõi tại khoa sơ sinh.
- Theo dõi chặt chẽ trong 3 ngày đầu tiên sau sinh:
+ Theo dõi tim mạch, tình trạng hô hấp, phát hiện kịp thời hội chứng suy hô hấp cấp.
+ Thử đường máu ngay sau đẻ, sau đó 1 giờ/lần trong 3 giờ đầu, tiếp theo là 3 giờ/lần và bất cứ thời điểm nào trẻ triệu chứng hạ ĐM trong 3 ngày kể từ khi sinh. Nếu ĐM £2,8 mmol/l cần cho trẻ ăn ngay, nếu không ăn được thì đặt sonde dạ dày cho ăn. Nếu trẻ có triệu chứng hạ ĐM nặng thì phải truyền tĩnh mạch dịch glucose 20%.
1.4.2. Theo dõi cho mẹ:
- Xét nghiệm ĐM mẹ ngay sau khi sinh:
+ ĐM của mẹ ³11,1 mmol/l: tiếp tục dùng insulin cho mẹ nhưng liều insulin giảm một nửa so với liều trong thời gian mang thai.
+ Nếu đái tháo đường còn tồn tại sau sinh con thì người mẹ tiếp tục được điều trị bằng insulin trong suốt thời gian cho con bú. Cần khuyến khích các bà mẹ đái tháo đường thai kỳ cho con bú sớm và kéo dài.
- Sau đẻ 6 - 12 tuần làm lại xét nghiệm cho mẹ. Chẩn đoán ĐTĐ dựa vào tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới cho người không mang thai.
1.5. Tại sao ĐTĐ thai kỳ là một vấn đề?
· Đối với bạn
- Bạn tăng nguy cơ mắc ĐTĐ typ 2
- Thai to gây khó chịu trong quá trình mang thai
- Thai to có thể phải mổ lấy thai, bạn có thể mất nhiều thời gian hồi phục sau sinh
· Đối với trẻ:
- Thai to có thể gây các sang chấn trong lúc sinh
- Nguy cơ hạ đường huyết sau sinh vì vậy nên cho em bé ăn sớm sau sinh.
1.6. Các điều nên làm:
1. Khám hoặc được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa.
2. Theo dõi đường huyết khi đói và sau ăn 2 giờ thường xuyên và chặt chẽ.
3. Chế độ ăn: ăn theo chế độ ĐTĐ nhưng phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho mẹ và thai, thức ăn giàu canxi (sữa), chất sắt (thịt), acid folic (rau xanh, quả có màu vàng). Đường huyết có khuynh hướng cao nhất sau bữa ăn sáng cho nên sau ăn sáng sản phụ nên đi bộ nhẹ nhàng trong vòng 10 - 15 phút giúp bạn ngừa được đường huyết tăng cao. Bác sĩ dinh dưỡng sẽ giúp bạn thành lập thực đơn thích hợp dựa vào cân nặng, giai đoạn mang thai và thói quen ăn uống.
4. Dùng Insulin: nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục nhẹ nhàng không kiểm soát tốt đường huyết thì phải điều trị bằng insulin dưới sự chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
5. Tập thể dục nhẹ nhàng là điều cần thiết:
- Giúp giảm stress.
- Cải thiện sức khỏe và sức dẻo dai.
- Kiểm soát cân nặng.
- Giúp hồi phục cơ thể sau khi sinh.
2. Người bệnh đái tháo đường mang thai
Đái tháo đường là tình trạng nguy cơ cao đối với cả mẹ và thai nhi vì làm tăng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh, xảy thai tự nhiên, tiền sản giật, đa ối, nhiễm trùng ở mẹ, thai chết lưu, suy thai, hạ đường huyết sơ sinh, hội chứng suy hô hấp sơ sinh. Nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường máu sẽ làm tăng nguy cơ xảy thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ hoặc sinh ra những đứa trẻ có dị tật bẩm sinh nặng. Vì vậy việc chăm sóc người mẹ trước khi mang thai và chuẩn bị tốt các điều kiện để mang thai giữ vai trò rất quan trọng và cần thiết.
Chương trình được lập trước khi có thai bao gồm:
2.1. Đánh giá tình trạng của người bệnh có nên có thai không?
- Trước khi mang thai cần kiểm tra:
+ Khám đáy mắt, nếu có bệnh lý võng mạc cần được điều trị tốt trước khi có thai.
+ Kiểm tra chức năng thận.
+ Khám tim mạch.
+ Định lượng HbA1C.
- Người bệnh ĐTĐ tốt nhất nên có thai khi:
+ Không có bệnh lý võng mạc.
+ Không có bệnh thận.
+ Kiểm soát huyết áp tốt < 130/ 80 mmHg.
+ Đường máu kiểm soát tốt với HbA1C <6,1%.
- Người bệnh ĐTĐ không nên có thai khi có:
+ Bệnh tim
+ Bệnh thận: độ thanh thải Creatinin < 50 ml/phút hoặc protein niệu > 300mg/24giờ
2.2. Ngừng dùng một số các thuốc trong thời gian mang thai
- Ngừng dùng thuốc uống hạ đường máu và chuyển sang dùng insulin.
- Thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II (nếu tăng huyết áp thì dùng methyldopa, nifedipine RT).
- Thuốc điều trị rối loạn mỡ máu: nhóm statin và nhóm fibrate.
- Hút thuốc lá và uống rượu.
2.3. Giáo dục: Giáo dục tích cực cho người bệnh cách tự theo dõi đường máu, điều chỉnh liều thuốc để đạt được mục đích kiểm soát đường máu tối ưu.
2.4. Điều trị và theo dõi : Điều trị và theo dõinhư đái tháo đường thai kỳ nhưng cần chú ý liều insulin sẽ tăng trong thời gian mang thai do có sự kháng insulin, tốt nhất dùng phác đồ 4 mũi tiêm/ ngày, trong đó 3 mũi insulin nhanh trước 3 bữa ăn chính và 1 mũi insulin bán chậm vào trước lúc đi ngủ. Vì ceton đi qua được hàng rào rau thai và có ảnh hưởng đến khuyết tật của ống thần kinh nên trong điều trị cần hết sức tránh tình trạng nhiễm ceton và có thể cho thêm acid folic 0,5mg/ngày trước khi có thai 1 tháng và trong suốt thời gian mang thai. Ngoài ra còn chú ý tới kiểm tra mắt định kỳ 3 tháng/lần cho bà mẹ và bất cứ thời điểm nào nghi ngờ tổn thương mắt nặng lên.