Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường
BS. Lê Thị Tâm - Khoa Nội Tiết - ĐTĐ BVBM
1. Đại cương: Biến chứng thần kinh rất hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau, thường gặp là biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng thần kinh tự động (khoảng 50% các bệnh nhân ĐTĐ týp 2 có biến chứng này). Biến chứng này gia tăng ở những bệnh nhân kiểm soát đường máu kém, thời gian mắc bệnh dài, tuổi trên 40, béo phì, hút thuốc, bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
2. Biến chứng thần kinh tự động
2.1. Trên hệ tim mạch
- Nhịp tim nhanh trên 100 nhịp/ phút khi nghỉ ngơi. Thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim thầm lặng gây đột ngột mệt, xỉu. Hạ huyết áp tư thế xảy ra khi bệnh nhân đang ở tư thế nằm chuyển sang tư thế đứngvới biểu hiện khó chịu, mệt mỏi, cảm giác yếu như ngất, giảm thị lực.
- Kiểm soát đường máu chặt chẽ và điều chỉnh lối sống là cách phòng bệnh hữu hiệu nhất. Có thể dùng thuốc chẹn bêta giao cảm khi nhịp tim nhanh làm cho bệnh nhân khó chịu. Điều trị hạ huyết áp tư thế tương đối khó khăn, các biện pháp đang đượcáp dụng như tránh yếu tố thuận lợi gây hạ huyết áp tư thế (chế độ ăn ít muối, thuốc lợi tiểu, thuốc chống trầm cảm), băng cố định cẳng chân trước khi đứng dậy và một số thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
2.2. Trên hệ tiêu hóa có biểu hiện:
- Các biểu hiện ở đườngtiêu hóa trên gồm: nuốt nghẹn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, ợ chua, nóng bỏng hoặc đau thượng vị, buồn nôn, nôn. Phát hiện bằng nội soi dạ dày - thực quản. Điều trị bao gồm kiểm soát tốt đường máu, sử dụng một trong các thuốc nhóm Ức chế thụ thể Dopaminergic (Primperan, Motilium), đồng vận Motiline (Erythromycin).
- Biểu hiện đườngtiêu hóa dưới: táo bón với tỷ lệ 60%, điều trị bao gồm kiểm soát đường máu tốt phối hợp với một chế độ ăn cân đối, đủ chất xơ, chia nhiều bữa. Khi không cải thiện bằng chế độ ăn, có thể dùng thuốc nhuận tràng theo ý kiến bác sỹ. Có khoảng 20 % bệnh nhân bị tiêu chảy, ngoài việc kiểm soát đường máu tốt, loại trừ nguyên nhân do thuốc điều trị đái tháo đường, khi đã xác định tiêu chảy là một biến chứng của bệnh có thể điều trị thuốc theo chỉ định của bác sỹ chuyên khoa.
2.3. Trên hệ tiết niệu - sinh dục:
- Bệnh thần kinh bàng quang biểu hiện: đi tiểu nhiều lần hoặc đi tiểu khó, phải rặn, bí tiểu gây viêm thận -bể thận cấp tính, sau đó là mạn tính, lâu dần dẫn đến suy thận mạn tính. Đo nước tiểu tồn dư bằng siêu âm và nội soi bàng quang giúp phát hiện biến chứng này. Ngoài việc kiểm soát tốt đườngmáu, một số thuốc có thể giúp cải thiện triệu chứng.
- Bệnh thần kinh hệ sinh dụcởnam giớibiểu hiện rối loạn cương dương, liệt dương trào ngược tinh dịch, phóng tinh ra quá sớm.Ở nữ rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, khô âm đạo, giảm cảm giác vùng bẹn, mất cảm giác kích thích tình dục.
2.4. Một số biểu hiện khác:
- Bệnh thần kinh vận mạch:tăng tiết mồ hôi ở vùng mặt và thân, xảy ra lúc bắt đầu các bữa ăn, lúc tập thể dụchoặc giảm tiết mồ hôi ở phần xa gốc ưu thế chi dưới làm cho da khô, ngứa, rụng lông, bong vảy, dạn nứt, gia tăng chai chân và loạn dưỡng móng, tăng nguy cơ loét chân.
- Hạ đường huyết không triệu chứng: do đái tháo đường lâu năm dẫn đến rối loạn phóng thích Catecholamine và đôi khi cả Glucagon do mất kiểm soát thần kinh phế vị làm lu mờ dấu hiệu hạ đường huyết.
2.5. Thời điểm sàng lọc biến chứng thần kinh tự động
Bệnh nhân đái tháo đường týp 1 cần được sàng lọc sau 5 năm chẩn đoán, còn đái tháo đường týp 2 cần được sàng lọc ngay tại thời điểm chẩn đoán.
3. Biến chứng thần kinh ngoại vi
- Biểu hiện:
§ Dị cảm ở đầu chi: cảm giác kiến bò, tê rần như kim châm, rát bỏng
§ Giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc da, cảm giác nhiệt
§ Mất cảm giác ngược lên “dạng bốt” ở chân, “dạng đeo găng ở tay”.
§ Đau ẩm ỉ hoặc kịch phát, tăng cảm giác đau ở chi và bụng nhiều về đêm.
§ Liệt dây thần kinh sọ: dây số VII (mất cảm giác, vận động 1 bên mặt), dây số III (nhìn đôi, sụp mi một bên, liệt nhãn cầu), dây số VI gây lác trong, dây số IV gây lác ngoài.
- Thăm khám thấy
§ Đánh giá cảm giác nông bằng monofilament 10gram, khám 10 vị trí. Mất 2/10 vị trí được đánh giá có rối loạn cảm giác nông, mất 4/10 vị trí được đánh giá có nguy cơ bị bệnh lý bàn chân ĐTĐ
Cách khám cảm giác nông bằng monofilament
§ Đánh giá cảm giác sâu ( cảm giác rung - bản thể)
§ Thăm dò điện cơ thần kinh
- Điều trị: Kiểm soát tốt đường huyết và điều trị triệu chứng bằng một trong các thuốc sau đây theo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa.
§ Ibuprofen 200 - 400mg, mỗi 4 - 6h, tối đa 1200mg/ngày.
§ Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitriptylin 25mg), liều 25-50mg/ngày, uống vào buổi tối.
§ Gapabentin (Neurontin 300mg):liều 300mg/lần x 1-3 lần/ngày.
§ Pregabalin (Lyrica 75 mg; 150mg;300mg): 75mg x 2lần/ngày.
4. Chăm sóc bàn chân dự phòng biến chứng muộn bệnh lý thần kinh ngoại vi do đái tháo đường
§ Mỗi ngày cần rửa chân:bằng nước ấm và xà phòng, không ngâm
§ Để chân khô ráo: dùng khăn mềm lau khô chân, đặc biệt giữa các kẽ ngón chân).
§ Giữ cho da mềm: dùng thuốc thoa để giữ ẩm, không thoa các kẽ ngón.
§ Kiểm tra chân: xem có bị phồng, đứt, lở loét, đỏ, sưng. Báo cho bác sỹ khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường.
§ Dùng dũa móng: nhẹ nhàng dũa móng chân, không dùng kéo hoặc đồ cắt móng.
§ Mang tất sạch và mềm vừa với chân
§ Giữ cho chân ấm và khô: mang tất có miếng lót đặc biệt, mang giày vừa chân.
§ Không được đi chân trần ở trong hay ngoài nhà
§ Kiểm tra kỹ giày mỗi ngày: tìm kiếm xêm có cát hoặc những vật làm đau chân tổn thương bần chân.
5. Kết luận
Biến chứng thần kinh do đái tháo đường là một biến chứng thường gặp, kiểm soát tốt đường máu là yếu tố quan trọng nhất giúp giảm tỷ lệ mắc biến chứng này. Hiện nay các biện pháp điều trị bệnh nhân đái tháo đường đã có biến chứng thần kinh ngoại vi chỉ giúp cải thiện được một phần biểu hiện bệnh.